Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019


Khi mang thai, mẹ có rất nhiều câu hỏi. Liệu làm như này có an toàn không? Liệu làm việc này có lợi cho thai nhi không? Mẹ hãy cùng chuyên gia đi tìm câu trả lời cho các vấn đề này ngay nhé.

Có an toàn khi châm cứu trong thai kỳ?



Châm cứu khá an toàn cho mẹ bầu

Tình trạng đau lưng khi mang thai rất phổ biến. Một trong những phương pháp được nhiều mẹ áp dụng là đi châm cứu để giảm cảm giác khó chịu do đau lưng mang lại trong thai kỳ. Nhưng liệu mẹ bầu có an toàn để châm cứu?

Trả lời:

Bác sĩ Tacey EK White đến từ Bệnh viện Burmingham (Anh) giải đáp: “Châm cứu đã được thực hành trong nhiều thế kỷ và thường được coi là an toàn trong thai kỳ. Có rất ít các nghiên cứu khoa học chỉ ra tác dụng phụ tiêu cực của châm cứu (chỉ khoảng 1,3%).

Khi mang thai, châm cứu đã được sử dụng để điều trị đau vùng chậu, đau lưng cũng như buồn nôn ở mẹ bầu. Nếu quyết định châm cứu, mẹ hãy tìm một chuyên gia châm cứu được cấp phép, có đào tạo và kinh nghiệm lâu năm với phụ nữ mang thai.

Và trước khi bắt đầu, mẹ bầu nên thảo luận chi tiết về điều trị và bất kỳ mối lo ngại nào về sức khỏe mà mẹ có với người châm cứu. Cuối cùng, châm cứu không nên được sử dụng để điều trị các tình trạng y tế nghiêm trọng”.

Có an toàn để ăn kiêng khi mang thai?



Mẹ bầu không nên ăn kiêng trong thai kỳ

Nhiều mẹ bầu muốn ăn kiêng khi mang thai. Liệu có an toàn hay không?

Trả lời: 

Bác sĩ sản khoa Jennifer Shu – Thành viên của Hội đồng tư vấn y tế BabyCenter (Anh) cho rằng: “Mang thai không phải là thời gian để ăn kiêng. Thông thường, mẹ bầu nên tăng khoảng 25 đến 35pounds khi mang thai. Lượng calo tăng từ 2.100 khi bình thường lên 2.500 khi mang thai. Và cả mẹ và bé đều cần lượng calo này.

Nếu mẹ giảm cân, có thể dẫn tới việc thiếu hụt dinh dưỡng, rất có hại cho cả mẹ và bé. Thay vì cố gắng giảm cân trong khi đang mang thai, hãy sử dụng thời gian này để phát triển thói quen ăn uống lành mạnh. Điều đó tốt cho mẹ, cho bé và sẽ giúp đảm bảo mẹ không tăng cân nhiều hơn mức cần thiết trong suốt thai kỳ”.

Có an toàn cho bé nếu mẹ ngáy khi mang thai?



Nếu mẹ bầu có thói quen ngủ ngáy cần điều trị từ sớm

Nếu mẹ ngáy thường xuyên khi ngủ thì có ảnh hưởng tới thai nhi hay không? Thai nhi có đảm bảo được an toàn không?

Trả lời:

Bác sĩ James J. Herdegen – Giám đốc y tế của Trung tâm khoa học giấc ngủ tại Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ) giải đáp: “Ngáy mãn tính (ít nhất một vài lần một tuần) có thể tác động tiêu cực đến thai kỳ và em bé trong bụng mẹ.

Bởi nếu mẹ bầu ngáy hầu hết các đêm, mẹ bầu có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn so với các mẹ không ngáy khi ngủ. Khi mẹ ngưng thở liên tục, cơ thể sẽ nhận được ít oxy hơn và rất dễ rơi vào tình trạng thiếu oxy.

Ngưng thở khi ngủ trong thai kỳ có liên quan đến tỷ lệ phù nề cao hơn, buồn ngủ ban ngày, tăng huyết áp (huyết áp cao) và tăng đường huyết (đường huyết cao). Phụ nữ ngáy thường xuyên có tỷ lệ sinh mổ cao hơn và em bé nhẹ cân. Họ cũng có thể có nguy cơ trầm cảm cao hơn sau khi mang thai.
Hãy trao đổi với bác sĩ và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp với bản thân nếu tình trạng ngáy xuất hiện nhiều mẹ nhé. Điều trị kịp thời sẽ mang lại lợi ích sức khỏe tích cực cho cả mẹ và em bé.

Theo Babycenter     

Các cha mẹ có thể theo dõi thêm nhiều bài viết hữu ích khác bằng cách truy cập vào website http://mamanbebe.com.vn nhé!

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019


Mang thai lần đầu vào 18 – 20 tuổi khác biệt như nào so với khi mang thai ở độ tuổi 25 – 27. Độ tuổi nào sinh con đầu lòng là tốt nhất để không ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ sau này. Hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học bang Ohio, Đại học Cornell, Đại học Wisconsin và Đại học Akron, tất cả đều ở Mỹ, nhằm mục đích kiểm tra mối liên quan giữa độ tuổi mà phụ nữ sinh con đầu lòng và sức khỏe của họ ở tuổi 40.

Gần 4.000 phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi đã được lựa chọn để tham gia nghiên cứu. Họ được chia làm 3 nhóm, trong đó, nhóm 1 sinh con lần đầu trong độ tuổi 15 đến 19, nhóm 2 trong độ tuổi 20 đến 24 và nhóm 3 từ 25 đến 35.


Mẹ bầu mang thai khi quá trẻ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe lúc 40 tuổi

Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm mối liên quan giữa tuổi khi sinh con lần đầu và sức khỏe tự đánh giá của chính bản thân người tham gia nghiên cứu bằng một câu hỏi duy nhất: “Nói chung, bạn đánh giá sức khỏe của bạn đang ở trạng thái nào? Tuyệt vời, rất tốt, tốt, bình thường hay kém?” với mức phản hồi từ 1 (kém) đến 5 (sức khỏe tốt nhất).

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng: Phụ nữ sinh con sau 25 tuổi sẽ khỏe mạnh hơn khi họ 40 tuổi. Trong khi đó, những ca sinh nở đầu tiên ở tuổi thiếu niên (15 đến 19) và tuổi trưởng thành trẻ (20 đến 24) có liên quan đến sức khỏe tự đánh giá kém hơn ở tuổi 40.

Nguyên nhân của kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học xác định là do ảnh hưởng lớn của tình trạng hôn nhân. Hầu hết thanh thiếu niên có con đầu lòng đều chưa lập gia đình. Và hơn hết, thể trạng chưa phát triển toàn diện khi vẫn đang ở độ tuổi dậy thì cũng là một phần lý do dẫn tới kết quả trên.


Mang thai sớm khiến mẹ cảm thấy yếu nhanh hơn

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu là điều kiện sống (bao gồm thu nhập cá nhân, nơi ở, lối sống, chế độ dinh dưỡng...), dân tộc, tôn giáo. Khi sinh con ở độ tuổi quá trẻ, khả năng làm việc và những thành tựu mẹ bầu đạt được đều thấp hơn do họ phải dành phần lớn thời gian để chăm con nhỏ.

Do vậy, thu nhập của họ cũng thấp hơn so với những phụ nữ cùng độ tuổi nhưng chưa sinh con và chính điều này ảnh hưởng sâu tới điều kiện sống không chỉ của mẹ mà còn của bé con vừa chào đời.
Mặc dù hiện nay đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho bà mẹ sinh con khi ít tuổi, nhưng nhìn chung, mang thai là một việc hệ trọng và mẹ cần thực sự suy nghĩ thấu đáo cũng như lên kế hoạch cẩn thận trước.


Hãy lựa chọn thời gian mang thai thật hợp lý để đảm bảo sức khỏe

Sự chuẩn bị bao gồm cả sức khỏe, điều kiện vật chất và tinh thần cho sự thay đổi lớn trong cuộc sống sau này sẽ không bao giờ là thừa với mẹ bầu. Sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu, mẹ bầu càng chủ động và giải quyết tình huống dễ dàng hơn.

Và sự chuẩn bị này cũng mang lại những điều tuyệt vời dành cho bé yêu không chỉ trong thời gian mẹ mang bầu mà còn trong những giai đoạn sau khi chào đời. Mẹ bầu hãy luôn làm những điều tốt nhất cho con yêu.

Theo NHS 

Truy cập vào website http://mamanbebe.com.vn để biết thêm nhiều tin tức hay bổ ích khác các mẹ nhé!

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Ốm nghén khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và không còn sức lực để làm bất cứ công việc gì. Hãy áp dụng ngay những liệu pháp được chuyên gia hướng dẫn sau đây để xoa dịu cơn ốm nghén mẹ nhé.

Ốm nghén khi mang thai



Ốm nghén khiến mẹ mệt mỏi trong các tháng đầu thai kỳ

Ốm nghén với các triệu chứng đặc trưng – mệt mỏi, buồn nôn và nôn trong thai kỳ là tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng đến phần lớn mẹ bầu trong ba tháng đầu của thai kỳ.

Ốm nghén rất khó chịu. Khi bị ốm nghén, mẹ bầu có thể bị nôn nghén nhiều lần trong ngày, không chỉ riêng vào bất cứ thời gian nào. Nhiều mẹ không thể giữ bất cứ đồ ăn hay thức uống nào trong bụng.

Tuy vậy, ốm nghén là hiện tượng bình thường, chỉ gây ảnh hưởng nhiều đến mẹ bầu, không đặt thai nhi ở bất kỳ nguy cơ xấu nào và sẽ hết trong tuần 16 đến 20 của thai kỳ.

Chuyên gia tư vấn


Ốm nghén có thể kiểm soát được và không còn gây nhiều khó chịu cho mẹ bầu nếu áp dụng những biện pháp được chuyên gia hướng dẫn sau đây:

Tự chăm sóc


Hầu hết mẹ bầu bị buồn nôn và nôn khi mang thai có thể tự kiểm soát các triệu chứng của mình bằng các kỹ thuật tự chăm sóc bao gồm các việc làm sau:


  • Mẹ bầu thay đổi chế độ ăn từ ăn nhiều bữa lớn chuyển sang thường xuyên ăn nhiều bữa với lượng nhỏ thức ăn nhưng tuyệt đối mẹ bầu không được ngừng ăn

  • Ăn thức ăn có nhiệt độ bình thường hoặc lạnh, thay vì những thức ăn nóng, vì thức ăn lạnh không tỏa ra mùi mà những thức ăn nóng hay có, điều này có thể khiến mẹ bớt cảm thấy mệt mỏi bởi các mùi đặc trưng

  • Tránh các loại thực phẩm hoặc mùi khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi



Ốm nghén có thể được giảm thiểu nhờ các biện pháp được chuyên gia hướng dẫn

Liệu pháp bổ sung



  • Gừng


Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng có một số bằng chứng cho thấy bổ sung gừng có thể giúp giảm các triệu chứng ốm nghén bao gồm buồn nôn và nôn ở mẹ bầu. Cho đến nay, cũng không có bất kỳ báo cáo nào về tác dụng phụ được gây ra bởi uống nước gừng trong khi mang thai.

Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên trao đổi cẩn thận với bác sĩ trước khi quyết định bổ sung gừng trong chế độ ăn uống. Và mẹ cũng cần lựa chọn thật kỹ các sản phẩm gừng được sử dụng. Hãy mua từ một nguồn có uy tín, chẳng hạn như hiệu thuốc hoặc siêu thị để đảm bảo chất lượng sản phẩm.


  • Bấm huyệt


Tương tự như gừng, bấm huyệt trên cổ tay cũng có thể tạo hiệu quả trong việc giảm triệu chứng buồn nôn khi mang thai. Mẹ nên lựa chọn các cơ sở châm cứu, bấm huyệt với đội ngũ nhân viên lành nghề lâu năm để thực hiện công việc này.


  • Thuốc


Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm với các phương pháp trên, sử dụng thuốc có thể sẽ được bác sĩ áp dụng cho mẹ bầu. Thuốc chống nôn được biết là an toàn trong thai kỳ, như Cyclizine, thường được bác sĩ khuyên dùng.

Một số thuốc kháng sinh như Histamine, thường được sử dụng để điều trị dị ứng cũng có tác dụng như thuốc chống nôn.

Khi nào mẹ nên nhập viện



Mẹ bầu có các triệu chứng bất thường khi ốm nghén cần nhập viện điều trị

Nhập viện có thể được bác sĩ đề nghị nếu mẹ có các biểu hiện:


  • Bị mất nước

  • Bị nôn mửa nghiêm trọng và không thể dung nạp được bất kỳ chất lỏng nào

  • Xét nghiệm máu có dấu hiệu bất thường

  • Mẹ bị sụt cân

  • Mẹ đang mắc một tình trạng bệnh chẳng hạn như một vấn đề về tim, thận hoặc bệnh tiểu đường

Điều trị ốm nghén trong bệnh viện


Thay vì sử dụng đường ăn uống như bình thường, bác sĩ sẽ sử dụng biện pháp truyền tĩnh mạch để cơ thể mẹ được cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong đó bao gồm cả thuốc chống ốm, thuốc chống nôn và vitamin B. Ngoài ra, mẹ bầu có thể được cung cấp thuốc ngăn ngừa máu đông, thuốc chống mất nước...

Mẹ bầu nên xuất viện sau khi các triệu chứng ốm nghén được cải thiện.

Chúc mẹ có thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Theo NHS 

Các mẹ có thể tham khảo thêm nhiều tin tức hữu ích tại http://mamanbebe.com.vn/

Popular Posts